Phân loại bao bì hàng hóa
Theo công dụng
Bao bì được chia thành hai loại: bao bì trong & bao bì ngoài (bao bì vận chuyển).
+ Bao bì trong: là loại bao bì để đóng gói hàng hóa, trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm nên thường đi cùng sản phẩm khi được bán. Do đó, giá trị của sản phẩm được bán phải cộng thêm giá trị của loại bao bì này.
+ Bao bì ngoài: là loại bao bì có công dụng bảo vệ số lượng và chất lượng sản phẩm khi được lưu trữ hay vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Giá trị của nó được tính ngay hoặc tính từng phần vào giá trị của sản phẩm tùy vào loại bao bì đó có thể được thu hồi hay không.
Theo số lần sử dụng
Dựa trên tiêu chí này, bao bì được chia thành hai loại:
+
Bao bì sử dụng một lần (single trip): loại bao bì này được sử dụng cùng với sản phẩm và chỉ phục vụ một lần từ khi sản xuất sản phẩm đến khi sản phẩm được tiêu dùng. Giá trị của chúng được tính vào giá trị sản phẩm.
+
Bao bì sử dụng nhiều lần (multi trip): là loại bao bì có khả năng sử dụng lại, thường bao gồm bao bì ngoài, bao bì trong, được sản xuất từ các loại vật liệu bền như chất dẻo tổng hợp hay kim loại... Giá trị của chúng được tính tngừ phần vào giá trị sản phẩm.
Theo độ cứng
Bao gồm bao bì cứng, bao bì nửa cứng và bao bì mềm.
+
Bao bì cứng là loại bao bì có khả năng chịu được tác động vật lý từ bên ngoài cũng như tải trọng của sản phẩm bên trong và giữ nguyên được hình dạng khi được vận chuyển, chứa đựng hay lưu trữ.
+
Bao bì nửa cứng là loại bao bì có các thuộc tính vững chắc ở một giới hạn nhất định khi vận chuyển hay lưu trữ sản phẩm. Do đó, chúng có thể bị biến dạng dưới sức nặng của hàng hóa hay các tác động bên ngoài khác.
+
Bao bì mềm là loại bao bì dễ bị thay đổi hình dạng khi chịu tải hàng hóa hay các tác động vật lý. Bao bì mềm thường dùng cho các sản phẩm hàng hóa dạng bột, dạng hạt.
Theo mức độ chuyên môn
+
Bao bì thông dụng: là loại có thể dùng để chứa đựng nhiều loại sản phẩm, hàng hóa khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực.
+
Bao bì chuyên dụng: là loại chỉ được dùng cho một loại sản phẩm nhất định, có tính chất chuyên dụng đặc biệt như hóa chất độc hại, bột dễ cháy nổ...
Theo loại vật liệu chế tạo
Loại bao bì được phân loại theo tiêu chí này dễ nhận biết vì tên gọi của mỗi loại bao gồm loại vật liệu chế tạo ra nó. Bao gồm:
+
Bao bì gỗ: thường ở dạng hòm, thùng chứa... với ưu điểm là dễ sản xuất & sử dụng, độ bền tương đối cao, có thể sử dụng lại, vật liệu dễ khai thác. Tuy nhiên, bao bì gỗ có nhược điểm là khá nặng, chống ẩm kém, dễ bị phá hoại (cháy, bị gặm nhấm...).
+
Bao bì kim loại: cũng có khả năng sử dụng lại và khắc phục được các nhược điểm của bao bì gỗ nhưng chi phí sản xuất cao, thường được sử dụng để chứa đựng các sản phẩm chuyên dụng như chất lỏng, hóa chất, các chất dễ cháy nổ...
+
Bao bì thủy tinh: thường được dùng để chứa đựng hàng hóa dạng lỏng như dược phẩm, hóa chất, đồ uống... Do loại bao bì này tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm nên chúng không độc hại, có độ cứng nhất định nhưng dễ vỡ khi bị rung xóc hay va chạm.
+
Bao bì dệt: được sản xuất chủ yếu từ các vật liệu như sợi đay, gai, vải... Đây là loại bao bì mềm, có độ bền nhất định nên dễ bị bục vỡ bởi các tác động vật lý.
+
Bao bì giấy: là loại bao bì phổ biến trên thị trường, chiếm khoảng 70% các loại bao bì đang được sử dụng. Bao bì giấy rất đa dạng về kiểu dáng và được thiết kế để đạt được nhiều giới hạn bền cao cũng như dễ in ấn trang trí, dễ sử dụng. Chúng cũng có thể được thu hồi vật liệu để sản xuất các loại bao bì khác.
+
Bao bì từ nhựa và các vật liệu nhân tạo tổng hợp (polymer, cao su nhân tạo, màng chất dẻo, nhựa cứng...) cũng là loại bao bì rất phổ biến và đang dần chiếm được thị trường. Nhờ vào các khả năng chịu bền và tính chuyên dụng cao hơn bao bì giấy nên bao bì nhựa thường được sử dụng trong các ngành thực phẩm, công nghiệp nặng, xây dựng hay hóa chất,...
Theo nguồn gốc
+
Bao bì sản phẩm sản xuất: dùng để bao gói sản phẩm trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
+
Bao bì sản phẩm thương mại: là loại bao bì phục vụ cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại.
Tuy cách phân loại bao bì chỉ mang tính tương đối nhưng mỗi tiêu chí phân loại đều có ý nghĩa nhất định, tận dụng những lợi thế của từng loại bao bì để phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất, thương mại và sử dụng.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://trungkien.com HOẶC http://trungkien.com.vn là vi phạm bản quyền.